Ý tưởng tốt là ý tưởng như nào?
Câu hỏi nghe thì có vẻ tu từ (Ừ thì ý tưởng tốt là ý tưởng nó phải tốt), những ngẫm kỹ ra thì cũng à ừ mỗi người một kiểu. “Ừ thì nó phải bon trend hợp thời nè”. “Phải là hay ho thú vị, kiểu kiểu là không ai nghĩ ra được luôn ý”. “À là phải chất em ạ, nhìn vô là phải giật tóc móc mắt luôn nà!” (gì ghê vậy pa).
Sau 5 năm nhìn lại một chặng đường dâu bể, thì mình nghĩ thế này, một ý tưởng tốt (nên) đáp ứng được 3 tiêu chí:
Make It Nice
Ý tưởng đó phải thú vị. Tất nhiên rồi, ý tưởng thường thường chán chán mà bà chị kế toán cũng nghĩ ra được, thì cái lũ Creative tụi mình sinh ra làm gì. Nhất là trong thời đại ngập ngụa thông tin như giờ, mà lâu lâu Fb lại có cái report rằng bạn hiền ơi, bạn chỉ có 1-2 giây để bắt được sự chú ý của người dùng trước khi nội dung của bạn bị ngón tay cái lướt lên ném vào hư vô. Nên nếu ý tưởng của bạn hiền không có cái gì làm stoping power để người ta phải khựng lại, thì bye bye bye!
Hoặc bỏ tiền ra đi để Fb tui đây chạy cho nè. Giá thầu cao tí nhưng đảm bảo vẫn cắn tiền nhé bạn hiền! À không muốn tốn nhiều tiền chứ gì? Về nghĩ ra Idea nào thú vị tí cho dễ viral chứ mỡ đó mà húp!
Vậy bước đầu tiên, ý tưởng tốt là cách thú vị hơn (Make It Nice) để …
Make It Work
Ý tưởng đó phải giải quyết được vấn đề. Mọi thứ đều phải đi từ mục tiêu/vấn đề cần giải quyết là gì. Nó là mỏ neo để người làm sáng tạo cột chặt sợi dây diều của mình vào đó. Ý tưởng bay bổng, fancy đấy, nhưng nếu nó không giải quyết được vấn đề thì em đi xa quá, Idea em xa quá em ei, nhìn lại brief và nghĩ thêm option nèo.
Hãy tập thói quen luôn bắt đầu từ vấn đề cần giải quyết là gì, bạn sẽ bán ý tưởng một cách chuyên nghiệp và hiệu quả hơn rất nhiều. Gói gọn lại chính là công thức 3 chữ I thần thánh (khuyên dùng bởi chuyên gia trong ngành, cụ thể là đại ka Sơn Sói):
ISSUE -> INSIGHT -> IDEA.
Văn mẫu nó là như này: Để giải quyết vấn đề là … (ISSUE), dựa vào thấu hiểu/số liệu/thông tin là …. (INSIGHT), vậy nên ta sẽ dùng ý tưởng là … (IDEA).
Có một cái bẫy là dân sáng tạo chúng mình hay nghĩ về Execution trước khi nghĩ Idea.- Anh ơi, hay mình làm bài nhạc Rap cho nó hoành tá tràng blabla.- Anh ơi, hay mình thuê Trấn Thành về quay là ờ mây dinh gút chóp lun blabla. – Anh ơi…
Nâu nấu nầu em ei nó là Execution, là cách thức để thể hiện Idea chứ không phải là Idea. Và cái mớ hay hay hoành tá tràng của em đó, nó giải quyết được vấn đề gì?
Thay vì vậy, chiếu theo công thức 3 chữ I, em hãy thử trình bày lại như này nè:
Để giải quyết vấn đề là (ISSUE) tụi Gen Z không thích đi học tiếng Anh ở đây vì tụi nó nghĩ lớp học thì khô, thầy cô thì già già chát chát như trái cà hết đát, dựa trên thông tin (INSIGHT) là 96,69% Gen Z thích nhạc Rap, chỉ cần dính zô Rap là tụi nó auto thả tim tương tác quan tâm push your hands up yeah yeah come on babe, vậy nên ta sẽ dùng ý tưởng (IDEA) là “Mỗi giờ học là một giờ Rap Show” bao ngầu bao zui.
Ví dụ như (EXECUTION): Ta làm 1 cái MV, lớp học gắn đèn chớp kèm nhạc điệu mê ly, rồi Trấn Thành bước ra làm MC, thầy cô lên đồ sành điệu như BinZ, thở ra là punchline, phẩy tay là *respect* hey yo every body, blabla… thì nghe Idea nó sẽ dễ đi vào lòng người và dễ bán hơn rất nhìu nè, phớ hơm?
Hoặc ít nhất, hãy nói được theo 2 bước: ISSUE -> IDEA. Vậy là em cũng đã có thể xây chắc cho Idea của mình tốt hơn rồi.
Quay lại bài, từ bước 2 ta có: Ý tưởng tốt là cách thú vị hơn (Make It Nice) để giải quyết được vấn đề (Make It Work)…
Thế đã đủ chưa?
Chưa đâu. Nó còn cần đến điều thứ 3 sau đây.
Make It Happen
Ý tưởng đó phải khả thi. Ngân sách thì có hạn, thời gian thì có hạn, nhân lực thì có hạn. Tóm lại là, ý tưởng thì hết lấc mà cái bất gì cũng có hạn. Vậy nên, bạn phải liệu cơm gắp mắm thôi.
– Anh ơi mình làm MV quay ở studio này đi…
– Thôi em ơi, xem có phòng nào trống tận dụng luôn đi em ei.
– Anh ơi thuê Trấn Thành đắt quá, hay mình đi thuê bạn nào MC khác cũng được.
– Thôi em ơi, thuê anh luôn đi, anh từng làm MC đám cưới nè.
– Anh ơi….
– Chộ ôi, em ơi các sếp mới báo lại, ngân sách không đủ, deadline đang trễ rồi, giờ huỷ phương án quay MV, mình chuyển sang làm Clip Animation vừa rẻ vừa nhanh nè. Làm lại script nhé em ei! Đâu rồi em ei, em eiiiiii!!!!
Tổng kết lại, ý tưởng tốt là cách thú vị hơn (Make It Nice) để giải quyết được vấn đề (Make It Work) và có thể thực hiện được trong giới hạn thời gian & nguồn lực cho phép (Make It Happen).
Và nếu thay đoạn “ý tưởng tốt là” bằng cụm từ “sáng tạo là nghĩ ra” trong đoạn văn trên, thì đó chính là cách mình định nghĩa về công việc làm sáng tạo.
Nói chung thì, đời không như là mơ, và sáng tạo không phải là làm thơ. Cho nên ta cứ vật vờ với sự thật đơn sơ: Làm cái này có về (đủ) số không em eiii!
Không chỉ Idea, nó còn là đường chúng ta đi đó
Ngoài việc là tiêu chí để đánh giá ý tưởng có đủ tốt hay không, thì với mình, 3 tiêu chí trên còn có thể đánh giá được trình độ tư duy của một người làm sáng tạo. Khi còn là trainee, junior, các bạn thường chỉ chăm chăm vào Make It Nice. Còn khi lên bậc Senior và làm sếp, tư duy Make It Work & Make It Happen là điều cần phải có.
Đặc biệt là tư duy Make It Happen. Thậm chí, trước khi talk it out loud thì các bậc cao niên đã phải lướt trong đầu là cái Idea này nên execute như nào, hết tầm bao tiền, làm tầm bao lâu rồi. Có cái lợi là Idea đó dĩ nhiên sẽ chắc kèo hơn vì đảm bảo tính khả thi. Tuy nhiên, cái hại của việc quá tập trung vào tính khả thi là sẽ khiến Idea bị bó buộc trong những nguồn lực như cũ, hoặc lối mòn thực thi sẵn có.
Cho nên, trong mỗi cuộc bể dâu brainstorm vẫn sẽ cần các bạn Junior với tâm lý của những chiếc chiếu mới “không biết trời cao đất dày là gì để mà tính với chả toán” tự tin khoe cá tính với những option Idea funny fancy fresh làm đầu vào. Rồi các bậc cao niên sẽ chọn lọc, build up hoặc reject dần dần, để vẫn có những Idea an toàn làm back up (chắc kèo là sẽ work và khả thi), còn lại thì vẫn có những Idea nice hơn, bay hơn, chưa biết có làm được không nhưng cứ propose lên đi baby ơi đừng sợ!
Trong Agency, Make It Nice thường là thế mạnh của team Creative, Make It Work là của các bác Planner, Make It Happen là của các chị Account. Nhưng dù có ở bộ phận nào thì mình nghĩ rằng ai cũng nên thấm nhuần đường lối tư tưởng của cả 3 thứ này, để có thể “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” của nhau.
Vì Agency không phải là nhà máy (trích lời anh Phương Hồ – Sách “Quảng cáo không nói láo”)
Vì cuối cùng thì chúng ta, ai cũng đều là người làm sáng tạo cả. Miễn là bạn còn tìm thấy niềm vui trong những ý tưởng thì cứ chơi đi, ngại gì lấm bẩn!
Nhỉ!
No Comments