Vợ à, anh sẽ thả rông nuôi con nhé!
Là từ khi nó còn nhỏ, anh sẽ “bỏ mặc” nó. Bỏ mặc tức là không cưng chiều. Anh vẫn sẽ yêu thương, nhưng sẽ không yêu thương vô điều kiện. Nếu nó ngã, anh sẽ tập cho nó tự đứng dậy. Nếu nó khóc, anh sẽ đến và nhìn nó khóc hết nước mắt thì thôi. Nếu nó đói, anh sẽ lấy đồ ăn và để trước mặt nó. Đói bụng khắc tự ăn. Không mè nheo. Không đòi hỏi. Không cơm bưng nước rót. Không kèn trống phụ họa. Tình thương và kỷ luật. Vậy thôi.
Ngay từ nhỏ, anh sẽ không đặt kỳ vọng lớn vào nó, Không “con nhà người ta”. Không “tiên tiến xuất sắc”. Không “bằng cấp, bảng điểm”. Nó chỉ cần là một người tử tế, sống có trách nhiệm, có đạo đức, có niềm tin và có mục tiêu đúng đắn để luôn cố gắng. Không cần phải giống ai. Không cần phải hơn ai. Không cần phải khoe ai. Không cần phải làm đẹp lòng ai. Nó chỉ cần là nó. Sống hạnh phúc. Sống tử tế. Sống vì nó. Vậy thôi.
Khi nó lớn hơn 1 chút, anh sẽ tập cho nó kiếm tiền, quản lý tiền và tiêu tiền-của-nó. Anh sẽ kiếm cho nó những công việc làm thêm nho nhỏ, hoặc khuyến khích nó tự kiếm. Và ở nhà, nếu cần việc gì đó ngoài những cái sai vặt nhỏ nhặt, anh sẽ trả công cho nó. Anh có thể khó tính một chút, hoặc dễ dãi tùy lúc. Nhưng anh sẽ là một khách hàng đúng nghĩa. Đưa ra công việc, hỏi xem nó có nhận làm hay không. Làm xong thì kiểm tra, feedback và nếu nó hoàn thành Ok, sẽ trả công sòng phẳng. “Win – Win”. Bình đẳng. Anh sẽ dạy cho nó rằng cuộc đời này chẳng ai cho không ai cái gì. Nó muốn điều gì, nó phải trả giá và nỗ lực xứng đáng. Vậy thôi.
Học xong cấp 3, anh sẽ cho nó tự quyết định. Học lên tiếp cũng được. Nghỉ một năm Gap-year cũng được. Hoặc kiếm một công việc chính thức luôn cũng được. Tùy. Miễn là nó đưa ra được kế hoạch xác đáng. Và tất nhiên, tài chính là do nó tự lo. Hết 18 tuổi, hết bao cấp hoàn toàn. Anh sẽ tài trợ cho nó một khoản trợ cấp vừa đủ. Chỉ để nó không chết đói thôi. Anh sẽ người cố vấn, sẽ hỗ trợ, nhưng sẽ không để nó dựa dẫm. Nếu nó có kém cỏi hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Thì đó không phải do bố mẹ. Là do nó mà thôi.
Anh có thể không phải là tấm gương tốt cho nó. Anh cũng chẳng cần nó phải hãnh diện về bố nó. Anh sẽ không trốn tránh, không giấu giếm nếu nó chất vấn anh “Hồi xưa bố thì sao?”. Vì những điều anh liệt kê trên thực tế, chính anh cũng không làm được. Anh cũng phải dựa dẫm bố mẹ anh nhiều mới có ngày hôm nay. Nhưng anh mong, anh sẽ không để nó giống anh. Những năm tháng mất phương hướng sau khi ra trường đã chỉ cho anh một điều, nếp sống quen việc dựa vào quyết định của bố mẹ sẽ chỉ càng khiến con cái trì hoãn việc trưởng thành. Thậm chí, từ chối trưởng thành. Chỉ khi tự mình quyết định, tự mình lựa chọn và chịu trách nhiệm cho lựa chọn đó, con cái mới có thể sớm nên người.
Thế hệ của anh và em – thế hệ sinh ra ngay sau thời bao cấp, thế hệ của cơ chế “xin-cho”, của nếp nghĩ được ba mẹ lót ổ sẵn từ lúc chập chững biết đi cho đến khi lập gia đình, sống như vậy là đủ rồi. Anh muốn nó phải sống khác. Tự do, tự lo, tự xoay sở, tự chịu trách nhiệm. Và anh muốn, đó sẽ thành truyền thống gia đình. Một truyền thống khởi đầu từ anh.
Anh biết, để nuôi con như vậy, sẽ rất khó khăn. Sẽ phải tàn nhẫn rất nhiều. Sẽ phải chịu đựng dèm pha rất nhiều. Và cũng sẽ phải đau lòng rất nhiều. Như cai sữa vậy. Chẳng bà mẹ không thấy xót xa khi nghe con khóc đòi bú, nhưng đành phải ngăn dù ngực căng đầy sữa. Xót xa lắm. Nhưng vẫn phải làm. Gà con đủ tuổi bị gà mẹ đuổi đi tự kiếm ăn. Tê giác con mọc hết sừng, đủ cứng cáp để tự bảo vệ thì sẽ tách mẹ “ra riêng”. Quy luật tự nhiên, sinh tồn vốn dĩ như vậy. Vì xét cho cùng, bố mẹ có sống đời bên con cái được đâu.
Yêu thương vừa đủ, để con tự do, đó là điều anh chọn!
Còn em?
From Billy Bò with love!
#Youaretheglassroseofmyeyes
No Comments