Tản mạn: Chuyện chất giọng long đong
Nhiều người coi giọng Hà Nội là “chuẩn” của giọng Bắc, tương tự giọng Sài Gòn là“chuẩn” của giọng Nam. Ý chuẩn không có nghĩa đó là giọng nói khuôn mẫu cho những nơi khác học theo. Có thể vì giọng Hà Nội hay Sài Gòn dễ nghe, dễ nói và ít từ địa phương hơn, ít có sự thay đổi theo năm tháng, kết hợp với vị thế trung tâm kinh tế chính trị đại diện cho cả một vùng địa lý. Vì thế nên giọng Hà Nội được gọi là giọng Bắc, cũng như giọng Sài Gòn được gọi là giọng Nam vậy.
Thanh lịch Tràng An
Đô thị mở rộng, diện tích và dân số tăng lên, người dân tứ xứ đổ về khiến giọng nói ít nhiều bị pha trộn, muốn nghe giọng Hà Nội gốc giữa đời thường thật khó. Ấy cho nên khi biết đoạn ghi âm gây ức chế nhất mọi thời đại “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được, xin quý khách vui lòng gọi lại sau…” chính là được đọc theo giọng Hà Nội gốc của NSƯT Kim Tiến, nhiều người mới thấy giật mình thú vị. Giọng nói gắn liền với tuổi thơ nhiều người (qua bộ phim Tây Du Ký hay nhiều bộ phim truyền hình khác) và là ví dụ chuẩn mực cho chất giọng Hà Nội chuẩn: truyền cảm, rõ ràng, dễ nghe và có chút gì đó cương nghị.
Giọng Hà Nội thanh thanh, ấm nhẹ, âm lượng vừa nghe, tốc độ vừa phải, nói vừa đủ từ, truyền đạt đủ ý, ít thêm thắt điệu đà, ít rút gọn chộp giật, khi nói khuôn miệng mở vừa, nền nã, nhẹ nhàng, giữ duyên, giữ ý. Ví như cô gái Vietnam Airline mặc áo dài màu xanh the mát đang nhỏ nhẹ giới thiệu quy định chuyến bay vậy. Từng bước từng bước, vừa vừa khéo khéo khó lòng chê vào đâu được..Một nét cao sang, tinh tế của đất Kinh kỳ ngàn năm văn hiến.
“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài – Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.
Ngọt ngào Gia Định
Giọng Sài Gòn mang đến không khí vui tươi, rộn ràng, thoảng từ xa đã thấy nét cười và ánh mắt rạng ngời. Dù người lạ mới quen cũng khiến bạn có cảm giác được chào đón như gặp người thân vậy. Ấm lòng lắm. Vậy nên tính cách người Sài Gòn nói riêng và người Nam Bộ nói chung điển hình bởi sự hào sảng và phóng khoáng. Đừng quá khách sáo hay câu nệ trong xưng hô, phải băn khoăn nói chuyện sao cho đúng, đoán ý sao cho vừa.“ Mệt hông con, dzô đây nghỉ ngơi đã”. Cái từ “con” cất lên nghe thân thương đến lạ, kèm ánh mắt trìu mến của các bà, các má thấy sao gần gũi quá. “cứ thoải mái như ở nhà nghen”.
Người Sài Gòn cuối câu hay luyến láy, nhấn nhá một chút để thể hiện cảm xúc vui buồn, hờn giận, “vui dzữuuu!, chời ơiiii!, mệt ghêeee!, đợi em xíu nhoaaa!…’Nghe thấy vui vui tai, dẫu có buồn bực hờn giận, phải đợi nhiều xíu thì cũng đành cười xòa cho qua thôi, chịu thua không giận được. Ấy thế nên giao dịch viên hay CSKH giọng miền Nam rất được ưa chuộng tại miền Bắc, âu cũng vì chất giọng lạ tai và giọng nói dễ thương khó cưỡng của con gái Nam Bộ. Rất ngọt, rất thỏ thẻ, rất nhẹ và rất …. biết cách làm nũng, phương cách hiệu quả cho cánh đàn ông vốn bản tính ham “của lạ”. Đó là những “viên đạn bọc đường”, ai bị bắn trúng cũng không đau, còn nức nở khen ngọt là đằng khác. Đề phòng khó lắm, biết là vào tròng nhưng khó lòng từ chối, đến khi dập máy mới thấy tỉnh cả người.
Gian nan nghe người ta nói
Giọng Sài Gòn thật hay và gây ấn tượng mạnh. Nhưng để nghe hiểu khi mới bắt đầu làm quen thì quả là gian nan. Quãng thời gian sống ở Hà Nội, tôi vốn quen cảnh những người bạn Bắc lắc đầu ngao ngán khi nghe tôi nói chuyện với người cùng quê. “Chịu thua không hiểu, cứ như chim hót ấy!”. Ấy thế mà khi vào Sài Gòn, tôi đành chịu tình cảnh tương tự. Người Sài Gòn nói chuyện với nhau rất nhanh, nhiều từ địa phương/tiếng lóng khiến cho tôi dù dỏng tai hết cỡ cũng chịu chết, ngồi im há mồm. “Bo xì, xạo ke, cà chớn, tám, khìn khìn, cùi bắp, nghen, hen, hôn,…bla bla….” bắn ra loạn xạ kết hợp chuyển việc âm “v” thành ‘dz” (dzề, dzậy, dzui zẻ) , “tr” thành “ch” hoặc “gi” (chời ơi, hết chơn hết chọi, giả tiền) ,…v.v đủ để khiến tôi hoa mắt quay cuồng. Ví như trình độ TOEIC 600 quen nghe VOA tự dưng bị bắt xem phim Mỹ không phụ đề vậy, ….hiểu được chết liền á! 😀
Còn những những giọng địa phương khác thì sao, đây lại là những bài toán khó nhằn nữa. Đứa em làm cùng tôi người Bình Định, nói cái gì cũng bị bắt nói lại lần nữa mới hiểu vì giọng nhỏ lại nói nhanh, âm bị lái xiêu vẹo thành ra không nghe được. “đi học” -> “đi hẹc”, “đi ăn cơm” -> “đi ăng côong”… Hay đứa em hồi xưa cùng đội tình nguyện người Quảng Trị, vần “anh” toàn nói sang vần “eng”, tên nó là Kim Anh nhưng toàn đọc thành Kim Eng, thành ra bị trêu khổ thân con bé suốt đời không đọc đúng tên mình.
Và nhiều chuyện dở khóc dở cười…
Tâm tình người xa quê
Giọng miền Trung khó nghe, cứ “trọ trẹ” hỏi, ngã chuyển tuốt thành dấu nặng, nhất là vùng Nghệ An, Hà Tĩnh (“Tôi nói đồng báo nghe rọ không?”). Người dễ tính thì khen giọng nói dễ thương, “vui cửa vui nhà”. Người khó tính thì chê giọng nặng như đeo chì, cục bộ khó gần như “đài phát sóng ngắn”. Thương người Nghệ Tĩnh vất vả hay đi làm ăn xa, ông trời phú cho cái tài đổi giọng, lái giọng một cách tài tình. Mười người ra Hà Nội đi học, đi làm vài tháng thì đến 8 người đã chuyển giọng Bắc nhẹ như không. Cô bạn gái đang tán chuyện với tôi “mô, tê, răng, rứa,…” mù mịt, thoạt quay ra đã ngon lành giọng Bắc ”cô ơi cho cháu bát phở bò tái không hành”. Hay chuyện 2 đứa cùng quê mới gặp chém gió giọng Bắc điên đảo, đến khi ra về nhìn xe nhau mới ngớ người “Ơ thì ra mi cũng 37” (37 là biển số xe Nghệ An). Vậy là tay bắt mặt mừng hỏi han như gặp người nhà.
Ấy vậy mà ở ngoài dẫu có “làm trời, làm đất chi không biết”, khi về quê dám giở giọng Bắc ra dễ bị khép vào tội mất gốc, là chối bỏ quê hương, tội ấy to lắm, “chửi cha không bằng pha tiếng”. Âu cũng là nét tự hào quê hương pha lẫn tính cục bộ địa phương điển hình của người Nghệ Tĩnh.
Thiên tai liên miên, đất đai khô cằn, cuộc sống nhọc nhằn, con em Nghệ Tĩnh tỏa đi tứ xứ học tập, làm việc. Đi đâu ở lâu cũng học thành giọng bản địa. Nói theo hướng tích cực là dễ hòa nhập, dễ sống, dễ làm việc, bài nào cũng hát, nhạc gì cũng nhảy. Còn theo hơi hướng mê tín thì cái tài lẻ đó vận vào cái số người Nghệ Tĩnh xa nhà, xa quê vào Nam ra Bắc, chịu cảnh nhịn tiếng mà lái giọng lơ lớ,thấy thương thấy buồn chứ đâu thích thú nỗi gì.
Có người do ở lâu từ nhỏ hoặc sinh ra tại đó, giọng biến thành nửa nọ nửa kia, Nam không ra Nam mà Bắc chả ra Bắc, miễn dễ nghe là được. Có người không chịu hoặc không thể đổi, cứ nguyên cái chất nặng nặng mà nói, thành ra đành phải nói chậm một chút, nói nhẹ một chút… lâu ngày rồi cũng thành quen, thành nếp, và thành tiếng thở dài…
Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam
Duyên phận long đong không bằng chất giọng ba miền
Thương nhớ miền Trung ơi….
No Comments