Sức mạnh của MẠNG XÃ HỘI
*Từ câu chuyện của trường Phan Đình Phùng
Danh tiếng của một ngôi trường, chức vụ của một vài cá nhân và cả một đống hệ lụy sau đó lại bắt nguồn từ một Fanpage hơn 20k like ,một Confession vài trăm từ, không ảnh, không clip câu view. Nhưng sức tác động thì ai cũng thấy rõ.
Cư dân mạng vào cuộc, báo chí vào cuộc, ban giám hiệu vào cuộc, ban ngành vào cuộc và công an chắc cũng sắp sửa vào cuộc. Cách xử lý của “lãnh đạo” khá quen thuộc: tìm mọi cách vận động, gửi công văn, rồi thì ép buộc, yêu cầu, để “dìm” vấn đề xuống. Như một lời thoại trong Táo Quân 2017 “”Cái sự việc nó to thì mình cần nói nhỏ, vì khi mình nói nhỏ thì sự việc nó nhỏ lại”.
Nhưng tiếc thay, đến tay cư dân mạng thì gạo đã nấu thành cháo mất rồi. Nói nhỏ giờ đã trở thành chuyện không tưởng. Chuyện người ta muốn cứu vãn bằng cách “dìm” vấn đề xuống lại tạo thành cái cớ để dư luận công kích và kéo nhau vào những cuộc khẩu chiến không hồi kết. Từ một trò nghịch dại của mấy cậu nhóc cấp 3, đến nay đã thành một nồi lẩu thập cẩm sôi sùng sục với đủ thứ đạo đức để tranh luận.
Nó khiến tôi liên tưởng về vụ khủng hoảng nước mắm thạch tín. Ông chủ Masan gọi điện cho hầu như tất cả tổng biên tập các tờ báo yêu cầu gỡ bài, ngừng đăng thông tin bất lợi. Đổi lại là cả chục tỷ đồng. Kết quả, tất cả đồng loạt pause, thậm chí viết bài nâng bi cho Masan (có mỗi báo Tuổi Trẻ và Phụ Nữ đứng vững). Tuy nhiên, Facebook thì không. Đơn giản vì có muốn mua cũng không mua nổi. Đơn giản là 1 bài viết đầy đủ thông tin, lý lẽ sâu sắc của 1 KOL là có thể sánh ngang với 1 tờ báo uy tín. Cổ phiếu Masan tụt mạnh. Thiệt hại kinh tế 700 tỷ, còn thiệt hại về mặt thương hiệu thì không thể đo đếm được. Phần lớn “công lao” thuộc về MXH.
Xa hơn nữa là câu chuyện về con ruồi gần như hạ đo ván Tân Hiệp Phát chỉ vì cách xử lý khủng hoảng truyền thông mà doanh nghiệp này đưa ra quá lạc hậu và chậm chạp. Họ thua, vì họ không lường hết sức mạnh của MXH – thứ mà kẻ giàu đến mấy cũng ko thể thao túng nổi. Nó có thể biến bất kỳ ai với một cái smartphone là đủ để trở thành một phóng viên “chiến trường”. Tha hồ bình luận, tha hồ đăng lên những tin tức trực tiếp nóng hổi và phát tán nó đi gần như bằng tốc độ ánh sáng. Không thể kiểm duyệt. Không thể ngăn chặn.
Tôi lại nhớ tới đợt bầu cử tổng thống Mỹ vừa rồi, rộ lên việc kết quả bỏ phiếu bị tác động bởi sự ảnh hưởng của Facebook. Thậm chí người ta nghi ngờ Trump thắng là nhờ vào những thông tin sai lệch đăng trên Facebook. Sự thực như nào không rõ. Nhưng kết quả trước mắt là bầu cử tổng thống Pháp sắp tới, Facebook cho biết hãng sẽ làm việc với một số cơ quan báo chí hàng đầu của Pháp, để bảo đảm rằng các tin tức giả mạo hay những tin đồn thất thiệt sẽ không được đăng tải trên giao diện Facebook. Nói không ngoa rằng cứ cái đà này, tương lai ai nắm được MXH, người đó có thể nắm tầm ảnh hưởng chính trị, hay xa hơn, là vận mệnh của cả một quốc gia.
Mạng xã hội và cách đối mặt với nó, là lướt sóng hay bị phủ đầu chính là từ khóa cực kỳ quan trọng trong thì tương lai dành cho bất cứ ai.
No Comments