Sự thất bại khi mình học Tài chính cá nhân
Trước đây phỏng vấn tìm việc, lần nào mình cũng flex ngầm bản thân cũng là cử nhân Tài chính Doanh nghiệp NEU (nghe cho nó sang con người lên chút), nhưng thực tế cách mình quản lý tài chính cá nhân thì lại cực kỳ đơn sơ và thuần khiết.
Tức là hàng tháng ting ting lương về tài khoản, mình lại tỉ mẩn cân nhắc các thứ các thứ trong vài giây để chia số tiền đó thành 2 hũ:
– HŨ 1: Tầm 5% lương, dùng để chuyển khoản tiền cơm trưa, order sách Tiki, thanh toán cafe linh tinh này nọ cho tiện.
– HŨ 2: Phần còn lại (95% lương) thì mình chuyển hết cho vợ.
Tại sao mình làm vậy?
Thứ nhất thì do mình yêu vợ!
Thứ hai thì nếu mình không chuyển thì đằng nào vợ cũng nhắc mình chuyển, nên thôi mình tự giác cho tiết kiệm thời gian, chứ không hề có chuyện ép buộc nào ở đây cả.
Nhưng dần dà, mình thấy không ổn.
Phận làm trai mười hai bến nước, trong nhờ chịu đục. Cảm giác mỗi tháng nhìn tài khoản bị reset lại từ đầu, không biết mọi thứ đi đâu về đâu khiến mình lo âu, mình chênh vênh, mình mong manh, mình dễ vỡ hơn trước.
Rồi khi bước vào khủng hoảng tuổi 30, cuộc sống ngày càng vô thường. Nếu ngày mai mình phải ra đường, thì mình biết làm sao?
Nên mình quyết định rủ vợ đi học lớp Tài chính cá nhân Pentagon của thầy Nguyễn Minh Nhật, chấp nhận dấn thân trở thành học viên nam duy nhất giữa vòng vây của chị em phụ nữ.
Mục tiêu đầu tiên để mình được trải nghiệm cảm giác quản lý số tiền mình làm ra. Cuộc sống vô sản bấy lâu nay thì mình đã cam chịu như một thói quen. Nhưng lần này, mình có cơ hội bước vào cuộc sống tư bản, được (giả vờ) cầm nhiều tiền trong tay để mà tính với chả toán.
Có thể với bạn, điều ấy thật đơn giản. Nhưng với mình, đó là trải nghiệm lạ lẫm và đáng giá.
Thứ hai là mình cũng mong muốn khi đi học cùng vợ, trong quá trình thảo luận bài học, mình sẽ được biết thêm cách vợ mình quản lý chi tiêu, đầu tư các thứ các thứ. Rồi biết đâu trong lúc sơ ý, vợ mình sẽ hé lộ ra của nả trong nhà có cái gì cái gì, của chìm của nổi cất giấu chỗ nào chỗ nào.
Đó là thứ mình bấy lâu nay mình vẫn hoài thắc mắc, dùng nhiều phương pháp để dò hỏi. Nhưng thứ nhận về vẫn mãi là nụ cười bí hiểm như nàng Mona Lisa và vẻ mặt hờn dỗi kèm câu hỏi tu từ (thủ pháp nghệ thuật được sử dụng để nhấn mạnh ý nghĩa của nội dung mà không cần câu trả lời cụ thể):
”Anh không tin em à?!”.
Và thế là hết.
“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu sự thật lương tháng của tôi hàng tháng đi về đâu”.
Lời trích dẫn tự bịa ấy là động lực để mình đi đến tận cùng sự thật, thay vì tiếp tục chấp nhận thỏa hiệp.
Nhưng hôm nay, khi khóa học Tài chính cá nhân đang đi đến buổi cuối, thì mình có thể trịnh trọng tuyên bố rằng:
Mình đã thất bại.
Mình vẫn đánh giá thấp vợ mình. Trong mắt vợ, mình vẫn mãi là một người chồng ngoan hiền như một chú cừu hàng tháng tự nguyện rũ bỏ bộ lông mà không cần dao kéo.
Con đường cách mạng còn lắm gian truân, không thành công thì cũng thành nhân. Mình tin lần thất bại này đã cho mình thêm nhiều bài học đáng giá để nỗ lực cố gắng đi tới chân lý cuối cùng, sự thật cuối cùng, không chỉ cho mình mà còn cho thế hệ tiếp nối.
Tức là ít nhất sau này về già, khi con trai mình lấy vợ, rồi đến lúc nó mang bộ mặt nhăn nhó đến hỏi mình:
“Bố ơi, sao đàn ông cứ mãi là giai cấp vô sản như vậy ạ? ”
“Ngồi xuống đây con trai, uống miếng nước, ăn miếng bánh đi, rồi bố sẽ kể con nghe về một câu chuyện dài…”
No Comments