Thăng tiến nhờ “Hậu duệ – Quan hệ – Tiền tệ – Trí tuệ”, liệu có xấu?
Cuối tuần rồi, anh mình mới nhận được quyết định bổ nhiệm phó phòng tại ngân hàng ở quê. Đây là thành quả lớn sau quá trình dài phấn đấu và chờ đợi. Tối qua mình gọi về cho mẹ, được nghe mẹ mình kể lại quá trình này.
Tức là để anh mình đạt được vị trí đó, ngoài năng lực bản thân thì phải đi kèm quá trình dài quan hệ, đi các cửa này kia, đặt vấn đề, tác động ngầm giữa các vị lãnh đạo, dàn xếp nội bộ. Không hề đơn giản.
Và một trong những yếu tố quan trọng chính là mẹ mình. Mẹ mình trước đây cũng nắm vị trí lãnh đạo tại ngân hàng. Mẹ hiểu rõ luật chơi, cách chơi, hiểu rõ các mối cần đi, cửa nào cần gõ. Các lãnh đạo hiện giờ cũng đều là người mẹ quen biết, thậm chí có người trước còn là cấp dưới của mẹ. Nhờ mẹ tác động, mọi việc trở nên suôn sẻ hơn và đỡ tốn kém hơn.
Tóm lại, là đầy đủ yếu tố Hậu duệ – Quan hệ – Tiền tệ – Trí tuệ cho câu chuyện trên.
Có thể nói, tuổi thơ mình lớn lên trong những câu chuyện như vậy, vì gần như mọi thứ vận hành xung quanh mình đều diễn ra như vậy.
Và thú thật trước đây, mình vẫn có sự ác cảm và kỳ thị ngầm với điều này.
Mình chọn không theo con đường về quê làm ngân hàng như gia đình định hướng, vào Sài Gòn để tự bươn chải và tìm kiếm điều mình thích, một phần lớn cũng vì cảm thấy bản thân mình không phù hợp với cách sống, cách làm việc ở quê.
Một cách làm việc nặng về quan hệ luồn lách xã giao, những cuộc giao dịch dưới gầm bàn đầy những toan tính chính trị.
Nhưng dần dần, mình nhận ra lý do lớn cho tình trạng này, chính là cơ hội công việc tại quê mình quá ít ỏi.
Có thể ở Sài Gòn câu chuyện nhảy việc, nhảy nghề diễn ra dễ dàng vì cơ hội quá nhiều. Dù mấy năm gần đây khủng hoảng kinh tế diễn ra khiến hành trình tìm việc trở nên khó khăn. Nhưng nếu so ở quê thì mọi thứ còn dễ thở chán. Kiếm việc ở khối nhà nước thì phải có cửa khi người giỏi thì đông, mông thì nhiều mà ghế thì ít. Kiếm việc ở khối tư nhân thì cực kỳ ít hoặc không đủ hấp dẫn. Kiếm việc remote thì lại càng khó, quanh đi quẩn lại thì chỉ có bán hàng online.
Tóm lại, khi cơ hội quá ít và yếu tố trí tuệ trở nên dư thừa, người ta phải cạnh tranh nhau bởi tiền tệ, quan hệ và hậu duệ. Không khác được!
Mình có thể không đồng tình, nhưng cũng không thể mang sự kỳ thị. Vì nó là luật chơi tại đó.
Những người không chấp nhận, hoặc không theo được cuộc chơi này thì chỉ còn cách thoát ly để tìm cuộc chơi khác.
Một góc nhìn khác khi mình mới được học được gần đây về Tài chính cá nhân, Hậu duệ – Quan hệ – Tiền tệ – Trí tuệ cũng là một dạng tài sản được truyền thừa trong gia đình, hay còn gọi là Personal Capital Assets (PCAs).
Bởi vì ngoài vốn liếng về tiền bạc, thì bản thân con cái cũng sẽ nhận được từ cha mẹ những dạng vốn liếng khác:
– Vốn Bản Thân – Human Capital (niềm tin, đạo lý sống, cách giao tiếp).
– Vốn Trí Tuệ – Intellectual Capital (hướng nghiệp, kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực nhất định)
– Vốn Tài Chính – Financial Capital (cách quản lý và sử dụng tài sản)
– Vốn Xã Hội – Social Capital (mối quan hệ trong xã hội).
Mẹ mình là số ít lãnh đạo đi lên nhờ năng lực bản thân chứ không dựa quá nhiều vào quan hệ ngoại giao. Đầu tiên phải giỏi chuyên môn, vì phe nào cũng cần người làm được việc. Nhưng ngoài chuyên môn, điều khiến mẹ đứng chân vững chắc suốt bao năm chính là khả năng đối nhân xử thế khéo léo, không quỵ lụy ai nhưng cũng không mất lòng ai. Và đó là điều mẹ ngầm răn dạy hai anh em mình bao năm qua.
Vậy sao mình có thể ác cảm hay gạt bỏ một cách cực đoan được, khi đây là những tài sản mẹ mình đã phấn đấu cả đời để tích góp và trao truyền lại, giúp cho con cái vừa có thể đứng vững trên đôi chân của mình, đồng thời có thể bước đi thuận lợi hơn rất nhiều trên đường đời.
Cuối cùng thì, thăng tiến nhờ “Hậu duệ – Quan hệ – Tiền tệ – Trí tuệ”, liệu có xấu?
Nó vẫn xấu, ít nhất về bình diện chung, nó vẫn là một thông lệ sai trái kìm hãm sự phát triển xã hội.
Chỉ là thái độ mình đón nhận nó giờ sẽ khác hơn, ít nhất trong gia đình mình.
No Comments