Thư cho em – Khi chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người
Có những quyển sách sẽ tạo cho bạn cảm giác lo lắng khi đọc. Tức là bạn vừa đọc ngấu nghiến, vừa thỉnh thoảng liếc số trang còn lại để xem còn bao nhiêu nữa, rồi ngầm thở dài “chỉ còn từng này thôi à”. Kiểu như khi bạn tình cờ thưởng thức món ngon đặc biệt, vừa tấm tắc xuýt xoa càng ăn càng thích, nhưng cũng vừa tiếc nuối vì cũng chỉ còn vài miếng nữa là hết, mà không biết kiếm thêm ở đâu.
Đối với mình, “Thư cho em” là một trong số những quyển sách đó. Dù đang khá ngập lụt trong bài vở, nhưng sau khi tình cờ biết khi nghe Have A Sip, mình ngay lập tức đặt mua và đọc xong trong ngày. Một phần vì ngưỡng mộ chú Hoàng Nam Tiến, một phần vì mình tò mò câu chuyện của vị chiến tướng huyền thoại xứ Nghệ – Hoàng Đan, một phần vì mình đặc biệt thích những câu chuyện thời chiến.
Mình thích đọc những cuốn hồi ký thời kỳ chiến tranh và hậu chiến, lời kể của những lớp người đi trước. Đó là những câu chuyện đầy tính chân thực và khốc liệt, nhưng cũng cực kỳ thơ mộng và thuần khiết, câu chuyện những thế hệ sống cùng chung một lý tưởng, một hoài bão. Có thể kể đến như “Gánh gánh gồng gồng”, “Quân khu Nam Đồng, “Hồi ức lính”, “Chuyện lính Tây Nam”, “Lính bay”, “Người thầy”,…
Riêng với “Thư cho em”, dù là lời kể gián tiếp, nhưng cảm giác đọng lại trong mình đúng như chú Hoàng Nam Tiến chia sẻ: “Tình yêu thuần khiết là có thật”. Một cuốn sách có thể sẽ giúp bạn “chữa lành” trái tim phần nào, để lấy lại niềm tin vào tình yêu. Bởi vì hoàn cảnh như vậy mà người ta còn yêu nhau được đến thế, thì những nghịch cảnh thời nay có là gì đâu nhỉ.
Đọc sách cũng là dịp mình sống lại những năm tháng khói lửa hào hùng, những chiến dịch, những trận đánh, những dấu mốc lịch sử của dân tốc. Và cũng để bước vào cuộc sống bao cấp thời xưa, mà hồi còn nhỏ mình thường nghe bố mẹ kể lại “một thời kỳ vừa gian khổ, vừa đáng nhớ”. Để thấy rằng những thứ khó khăn hiện tại của tụi mình hiện tại, thật ra đâu có sá gì!
“Thư cho em” – một cuốn sách xứng đáng, nếu bạn muốn tìm kiếm những câu chuyện đẹp một cách thuần khiết của lớp người xưa, một thế hệ “chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người”.
No Comments