[Review] Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ
Một cuốn sách đặc biệt, kể lại những câu chuyện có thật, mà tác giả trải qua 2 năm nhặt nhạnh, lắng nghe và ghi lại từ những người trẻ tuổi đôi mươi. Tất cả họ đều là những người bình thường, khao khát yêu thương và muốn được yêu thương. Nhưng câu chuyện của họ lại toàn những màu u ám, ngột ngạt, bức bí, mơ hồ, tuyệt vọng, quay cuồng. Và vỡ vụn.
Những câu chuyện bế tắc và nghẹn đắng
Cuốn sách mang lại cho ta cảm giác như đang xem một bộ phim tài liệu, nơi nhân vật chính ngồi khuất sau một bóng mờ đen che phủ khuôn mặt, lặng lẽ chia sẻ với giọng điệu thoạt đầu dửng dưng, nhưng đến sau thì nặng nề, nghẹn ngào đến nức nở khi những thứ sâu kín nhất trong tâm can được giãi bày.
Nó giống như khi bạn bóc một củ hành tây. Càng bóc càng nhiều nước mắt.
Bạn sẽ thấy hình ảnh của những người dễ dàng bị gọi là LOSER. Thi trượt. Bỏ học. Thất nghiệp. Tự ti. Chán nản. Xa lánh xã hội. Tự trói, tự ném mình vào xó tối. Nhưng bên cạnh đó, cũng sẽ có những bạn trẻ xứng đáng gọi là WINNER. Thông minh. Học giỏi. Điểm thi top. Học bổng du học. Định cư & làm việc nước ngoài. Từng dành giải thưởng này nọ. Và tất cả đều đang vật lộn chống chọi với sự ngược đãi tinh thần từ chính người thân, hoặc từ chính bản thân họ. Để thấy rằng, đằng sau tấm mặt nạ hào nhoáng của sự nổi tiếng hay tiền bạc, thật ra cũng lại là một tâm hồn rách tươm đầy những vết cắt.
Bạn sẽ thấy những câu chuyện của ba mẹ, những người mà dễ dàng bị phán xét là tội đồ, là nguồn cơn của biết bao đau khổ. Thì nay, ta có thêm một góc nhìn từ chính họ, để biết rằng, thì ra đằng sau những áp lực điên rồ, những kì vọng đau khổ thì họ cũng chỉ là nạn nhân từ chính ba mẹ của họ. Và rằng những đau khổ đó như một căn bệnh di truyền, truyền qua những thế hệ như một khối ung thư di căn sâu. Đó là căn bệnh thành tích, trọng nam khinh nữ, điểm số, khoa cử, của nếp nghĩ lạc hậu vốn định danh thành công, thất bại theo những khuôn mẫu sáo mòn.
Vậy cuốn sách này sẽ mang lại cho bạn điều gì?
Đầu tiên, đó chính là sự giải tỏa. Đúng. Sự giải tỏa ngay cho chính bạn. Tôi tin rằng, dù ít hay nhiều, bạn cũng sẽ thấy đâu đó hình bóng của chính mình trong đó. Của những đổ vỡ, của những mâu thuẫn, của những hoài nghi, và hành trình chênh vênh đi tìm bản thân mình của cái lứa tuổi đang bắt đầu tự lập. Nơi những kì vọng hay yêu thương đều có phần méo mó. Đọc để thấy mình, để gọi tên ra vấn đề mà chính bạn đã, đang gặp phải. Và bạn biết rằng thì ra mình không cô đơn. Hoặc nghĩ theo cách lạc quan thì, vấn đề đó thật ra cũng chẳng đến nỗi ghê gớm hay bế tắc như bạn nghĩ.
Thứ hai, cuốn sách giúp bạn yêu thương nhiều hơn, trân trọng những gì mình đang có nhiều hơn. Điểm chung của những nhân vật trong cuốn sách, chính là việc thiếu thốn tình yêu thương từ gia đình, hoặc tệ hại hơn, là sự yêu thương đến méo mó và chuyển thành sự “tra tấn tinh thần”. Và bạn sẽ nhận ra một điều, có một gia đình bình thường, đầy đủ cha mẹ, sống tình cảm, nói chuyện bình thường được với nhau, thật ra đã là ước mơ lớn lao của bao người rồi.
Cuối cùng, cuốn sách cũng chính là một tài liệu nuôi dạy con, được trình bày theo phương thức khác biệt với đa phần các tài liệu hiện thời. Bởi vì nó đang phơi bày ra hậu quả, nếu như bạn chọn cách nuôi dạy giống như cách mà những bậc cha mẹ đang làm trong cuốn sách này.
Đọc để soi chiếu hành trình bản thân mình khôn lớn, để thấu hiểu con người mình hơn. Đọc để xót xa, thương cảm, và tự hứa với lòng rằng, mình sẽ không đi vào những vết xe đổ trong cuốn sách. Đọc để khoan dung với những đứa trẻ “hư”, “nổi loạn” mà ta vốn sẵn những định kiến tiêu cực.
Vì ngoài kia, có nhiều đứa trẻ vẫn đang chống chọi từng ngày, để lớn lên thành người tử tế.
No Comments